Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên (gọi tắt là Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh); có chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và ổn định thị trường bất động sản; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng, đã tạo lập, phát triển và thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Trung tâm phát triển quỹ đất Tỉnh có các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
b) Tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và các nhu cầu khác của địa phương; ổn định thị trường bất động sản;
c) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức phát triển các khu, điểm và nhà tái định cư phục vụ việc thu hồi đất thực hiện các dự án;
đ) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý để đấu giá;
e) Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng; quỹ đất đã nhận chuyển nhượng; quỹ đất đã tạo lập và phát triển; quỹ nhà đất đã xây dựng để phục vụ tái định cư và quỹ đất thu hồi theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai thuộc khu vực đô thị, khu vực có quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa giao dự án đầu tư hoặc chưa đấu giá quyền sử dụng đất;
g) Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
h) Lập phương án sử dụng quỹ đất được giao quản lý và các phương án, đề án, dự án đầu tư tạo lập và phát triển quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;
i) Cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu;
k) Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, phương án, dự án, đề án và các hoạt động dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn được giao;
l) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao;
m) Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật;
n) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành;
o) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao.
2. Trung tâm phát triển quỹ đất Tỉnh có các quyền hạn sau:
a) Được cung cấp các văn bản về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các tài liệu khác liên quan đến nhiệm vụ được giao;
b) Tư vấn, cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao cho tổ chức và cá nhân;
c) Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
d) Thuê tư vấn, thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Tổ chức và biên chế:
1. Lãnh đạo: Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh có Giám đốc và không quá hai (02) Phó Giám đốc.
* Giám đốc: Làm chủ tài khoản, phụ trách chung toàn đơn vị, trực tiếp phụ trách Phòng kế hoạch, hành chính tổng hợp.
* Phó giám đốc thứ nhất: Được uỷ quyền làm chủ tài khoản thứ 2, xử lý công việc khi Giám đốc đi vắng, trực tiếp phụ trách mảng bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
* Phó giám đốc thứ hai: Được uỷ quyền làm chủ tài khoản thứ 3, phụ trách kế hoạch công tác quản lý và phát triển quỹ đất.
2. Các phòng và biên chế:
a) Phòng kế hoạch, hành chính tổng hợp: có trưởng phòng, 01 phó trưởng phòng và 2 nhân viên.
– Giúp lãnh đạo Trung tâm các nhiệm vụ:
+ Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, công văn đến, phát hành công văn đi và phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác của Đảng, các đoàn thể theo quy định.
+ Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Thực hiện công tác kế hoạch, kế toán tài chính.
+ Thực hiện công tác quản lý lao động, các chế độ chính sách lao động, tiền lương; mua sắm vật tư văn phòng phẩm, quản lý tài sản, vật tư kỹ thuật, cấp phát văn phòng phẩm.
+ Thực hiện công tác tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động theo quy định.
– Nhân sự: 4 người, gồm 3 trong chỉ tiêu biên chế và 1 hợp đồng.
+ 01 Trưởng phòng: phụ trách chung, phụ trách công tác tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tài chính, kế hoạch;
+ 01 Phó trưởng phòng giúp trưởng phòng thực hiện công tác hành chính, tổng hợp, báo cáo;
+ 01 viên chức kế toán; quản lý tài sản, vật tư kỹ thuật; giúp lãnh đạo thực hiện công tác quản lý lao động, các chế độ chính sách lao động, tiền lương;
+ 01 cán bộ Văn thư, thủ quỹ;
b) Phòng quản lý và phát triển quỹ đất: có trưởng phòng và 02 nhân viên.
– Giúp lãnh đạo Trung tâm các nhiệm vụ:
+ Phân tích đánh giá dự báo nhu cầu quỹ đất cần phát triển hàng năm, năm năm để xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, năm năm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Theo dõi tiến độ thực hiện khai thác, sử dụng quỹ đất đã được giao cho các đối tượng sử dụng thuộc quỹ đất Trung tâm quản lý; các thông tin về chủ trương chính sách, về kêu gọi đầu tư của Tỉnh; về quỹ đất đã được cấp thẩm quyền giao cho Trung tâm quản lý, khai thác; cung cấp thông tin về quỹ đất để đầu tư trên địa bàn Tỉnh; theo dõi, xây dựng hồ sơ, xây dựng bản đồ để quản lý toàn bộ quỹ đất được các cấp có thẩm quyền giao và các quỹ đất thu hồi theo quy định tại các khoản 2,3,4,5,6,7,8,9,10,11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai. Theo dõi về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị phục vụ cho công tác phát triển quỹ đất.
+ Xây dựng các dự án đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm công tác đấu giá theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
– Nhân sự: 3 người, gồm 2 trong chỉ tiêu biên chế và 1 hợp đồng.
+ 01 trưởng phòng: phụ trách chung, thực hiện công tác lập kế hoạch phát triển quỹ đất.
+ 01 viên chức: Theo dõi các quỹ đất được giao, tiến độ khai thác, sử dụng, lập các đề án khai thác quỹ đất, cung cấp thông tin về phát triển quỹ đất;
+ 01 cán bộ làm công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
c) Phòng bồi thường, giải phóng mặt bằng: có Trưởng phòng và 01 Phó trưởng phòng và 03 nhân viên
– Giúp lãnh đạo Trung tâm các nhiệm vụ:
+ Xây dựng các văn bản về trình tự, thủ tục và kế hoạch để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, theo dõi quản lý và tổ chức thực hiện các chính sách về tái định cư của các đối tượng được hưởng chính sách tái định cư.
+ Đo đạc hoặc hợp đồng với các đơn vị có chức năng để đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
+ Kiểm tra hồ sơ địa chính ban đầu, kiểm kê thực địa, tính toán lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết;
+ Trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện phương án sau khi được phê duyệt;
+ Tham mưu về công tác cưỡng chế thu hồi đất (nếu có);
+ Báo cáo, phối hợp với các ngành, địa phương và thanh tra Sở giải quyết các khiếu nại có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án do Trung tâm thực hiện.
– Nhân sự: 5 người, gồm 2 trong chỉ tiêu biên chế và 3 hợp đồng.
+ 01 Trưởng phòng: phụ trách chung, trực tiếp phụ trách công tác theo dõi chính sách, lập kế hoạch thực hiện và công tác đo đạc, lập và quản lý hồ sơ địa chính phục vụ công tác bổi thường.
+ 01 phó trưởng phòng phụ trách công tác xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, theo dõi và trực tiếp tham gia thực hiện phương án sau khi được duyệt; tham mưu về công tác giải quyết khiếu nại và cưỡng chế thu hồi đất;
+ 03 cán bộ thực hiện công tác kiểm kê thực địa, tính toán nội nghiệp.
Điều 4. Cơ chế tài chính:
1. Chế độ tài chính cơ bản của Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (Thông tư số 71); Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 71.
2. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định để thực hiện.
3. Nguồn kinh phí của Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp Tỉnh.
a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, gồm:
– Kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và văn bản hướng dẫn Nghị định; đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động;
– Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
– Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Nguồn thu sự nghiệp, gồm:
– Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; – Kinh phí quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
– Kinh phí quản lý quỹ đất đã thu hồi, nhận chuyển nhượng, tạo lập, phát triển và quỹ nhà đất đã xây dựng phục vụ tái định cư theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;
– Phí đấu giá, tiền bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất (kể cả đất có tài sản gắn liền với đất) theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh;
– Phí đấu thầu, tiền bán hồ sơ dự thầu đối với dự án có sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi tiền gửi tổ chức tín dụng;
– Các khoản thu từ thực hiện hoạt động dịch vụ theo hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật;
– Các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
c) Kinh phí khác, gồm:
– Nguồn vốn được ứng từ ngân sách nhà nước, từ Quỹ phát triển đất để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
– Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
– Nguồn vốn từ liên doanh, liên kết để thực hiện các chương trình, phương án, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật
d) Nội dung chi, gồm:
– Chi thường xuyên, gồm: chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, chi hoạt động thường xuyên gồm: tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; dịch vụ công cộng; văn phòng phẩm; các khoản chi nghiệp vụ, chuyên môn; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và các khoản chi khác theo chế độ quy định;
– Chi không thường xuyên, gồm:
+ Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định; các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định (nếu có); đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định khi thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài và các hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định hiện hành;
+ Chi thực hiện các nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng và tạo lập, phát triển; quản lý quỹ nhà, đất tái định cư; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư xây dựng khu, điểm, nhà tái định cư và các công trình hạ tầng khác theo chương trình, phương án, dự án, đề án, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
đ) Quản lý, thanh toán các nguồn vốn ứng hoặc huy động: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08 tháng 01 năm 2010 của liên bộ Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ và Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế và cơ chế tài chính của Trung tâm Phát triển quỹ đất.
e) Sử dụng kết quả hoạt động và báo cáo tài chính
Hàng quý và cuối năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định (nếu có). Chênh lệch thu lớn hơn chi được phân phối: trích tối thiểu 25% để lập quỹ phát triển sự nghiệp; trả thu nhập tăng thêm cho người lao động và trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 5. Tổ chức thực hiện:
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh giúp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện Quy định này. Các phòng, đơn vị thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện tốt Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc thì Chánh Văn phòng Sở và Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh kịp thời báo cáo và tham mưu Giám đốc Sở để xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.